Bán lợn giống để mua đàn dạy học
Căn nhà của bà Nông Thị Uyến, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa nằm cheo leo trên sườn đồi, đi từ dưới con đường liên thôn cũng phải khá ì ạch mới đến nơi, bà nói, căn nhà của bà tuy tuềnh toàng nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tiếng hát và tiếng đàn của học trò từ sáng đến tối.
Bà Nông Thị Uyến, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa (Na Hang).
Bà Uyến “khuyến cáo” chúng tôi đừng gọi bà là nghệ nhân, hãy gọi bà là người yêu Then, yêu Tính. Ánh mắt bừng sáng, bà kể về cái duyên đến với hát Then đầy sự tự hào, bà sinh ra và lớn lên tại thôn Bản Tầu, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), gia đình có 4 chị em, đều là những “cây văn nghệ” của thôn, xã. Năm 1977 khi mới 11 tuổi, bà đã theo chân các mẹ, các chị đi ca hát khắp làng trên, làng dưới, ngày đó chỉ là đi theo để xem tập luyện nhưng điệu Then “ngấm” vào lúc nào cũng không biết.
Nhớ mãi năm 1980, khi mới 14 tuổi, bà đi thi văn nghệ cấp trường và giành giải Nhất với bài hát “Việt Bắc quê em”. Lúc đó bà trở thành một hạt giống đỏ về văn nghệ của xã, từ đó, bà đi biểu diễn khắp nơi với những bài hát của quê hương và giành được rất nhiều giải thưởng. Bà Uyến chia sẻ, học Then thật sự rất khó, nếu không có tình yêu khó lòng chinh phục được điệu hát của trời, mỗi cây đàn tính có 7 nốt nhạc, cũng không có phần chia nốt như các nhạc cụ khác, vậy nên để chơi nhuần nhuyễn cần phải tập luyện nhiều để cảm thụ được âm nhạc. Đó có lẽ là điều khó khăn nhất mà ai cũng phải vượt qua trước khi thành tài.
Năm 1990, sau khi lấy chồng và về định cư tại xã Yên Hoa (Na Hang), tài năng hát Then, chơi đàn Tính của bà đã phải lùi lại nhường chỗ cho việc chăm lo cuộc sống gia đình. Mãi đến năm 2011, tức là 21 năm sau, bà Uyến mới có cơ hội cầm lại cây đàn.
Bà Uyến đứng dậy, ra đầu hồi và quay lại với 1 chiếc cán đàn vót nham nhở bằng cây gỗ nay đã mọt rỗng khá nhiều. Bà nói, đây là cây đàn đầu tiên từ năm 2011 do bà tự chế tạo, bầu đàn thay vì làm bằng quả bầu thì làm bằng lon sữa Ông Thọ, cán đàn tự vót và mất gần 1 tuần mới hoàn thành, tuy hơi dè nhưng đó là giáo cụ để giảng dạy.
Bà vẫn nhớ, lớp học lúc đó có 25 thành viên, có cả con gái của bà, học bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9 thì tốt nghiệp. Bà còn kể câu chuyện chế tạo đàn bằng ống xà phòng để tiếng đàn mềm mại hơn, nhưng nhớ nhất là tháng 7 năm đó, gia đình bán 2 con lợn giống được 950 nghìn đồng, bà lặn lội lên tận thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) nài nỉ mua được 1 cây đàn tính cũ trị giá 1 triệu đồng, cây đàn đó nay đã cũ nhưng vẫn là kỷ niệm mà có lẽ bà không bao giờ quên.
Nhiều lứa học trò thành tài
Bà Uyến nhẩm, từ năm 2011 đến nay, bà đã dạy được 150 học sinh nhiều lứa tuổi của các thôn trong xã Yên Hoa biết hát Then, chơi đàn Tính và cũng chưa bao giờ lấy học phí của học trò.
Căn nhà của bà Uyến luôn tràn ngập tiếng hát, tiếng đàn của học trò.
Chúng tôi thật may mắn gặp được anh Nguyễn Hà Dũng, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa đúng dịp được nghỉ hè. Anh Dũng bày tỏ, anh theo học bà Uyến từ năm 2011 khi mới 10 tuổi, cũng là lớp học trò đầu tiên, ngày đấy anh không mấy mặn mà nhưng càng học anh càng bị say như điếu đổ điệu Then. Khi tốt nghiệp cấp 3, anh Dũng chọn thi Đại học sư phạm Thái Nguyên, và hiện nay đang theo học tiếp cao học dưới Hà Nội. Mơ ước lớn nhất của anh chính là sẽ mang điệu hát Then, tiếng đàn Tính bay xa hơn khắp năm châu, bởi bất kỳ ai nếu hiểu rõ sẽ thấy ca từ lời hát thật mỹ miều, âm thanh tiếng đàn lúc trầm, lúc bổng quyến rũ lòng người.
Cách hát Then của người Tuyên Quang cũng thật đặc biệt, bà Uyến miêu tả, ở quê Bắc Kạn khi dạo nhạc sẽ vào luôn phần lời, nhưng ở Tuyên Quang thì sẽ có thêm phần đệm những câu hát “ới la, ới là” tạo sự thoải mái cho người hát, dễ vào nhạc, không bị “cuống” khi trình diễn.
Là cây văn nghệ của xã Yên Hoa, tham gia rất nhiều cuộc thi và đều giành các giải cao cho quê hương, chị Lữ Thị Quyên, thôn Bản Thác vẫn nhớ như in những ngày đầu được dạy học. Chị Quyên cho biết, là con gái ruột nên việc học khắt khe hơn bạn bè cùng lớp, mỗi ngày chị đều phải luyện đôi tay cho dẻo, di chuyển trên các phím của thân đàn sao cho nhẹ nhàng, không giật cục mới đạt yêu cầu. Mẹ chị hiện có thể hát và chơi được nhiều bài Then cổ như: Hội Lồng tông, Thấu nạn thấu quang, Sỉnh an, Sự tích cây đàn tính…, nhưng đến nay chị mới học được một số bài. “Các bài hát có mức độ khó và đòi hỏi trí nhớ phải thật tốt vì sự biến hóa các nốt trong khi hát, chỉ cần không tập trung là sẽ lạc tông nhạc ngay lập tức” - Chị nói.
Để giúp bà Uyến có kinh phí duy trì các lớp học hát Then, khoảng 3 năm trở lại đây, Ủy ban nhân dân xã Yên Hoa cũng thường xuyên phối hợp mở các lớp dạy hát Then và bồi dưỡng cho bà theo quy định chứ bà nhất quyết không lấy học phí của học sinh. Đồng chí Ma Đại Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hoa kể, bà Uyến có biệt tài nhớ các bài hát Then, chỉ cần nghe một lần là có thể tự mày mò và hát được theo. Chính vì thế bà Uyến có thể hát và chơi đàn tính thành thục gần 60 bài hát Then các loại, bà cũng sáng tạo biến tấu các bài hát Then cổ sang hơi hướng Then hiện đại để học sinh dễ tiếp cận và học theo.
Được hỏi về mong muốn của mình, bà Bà Uyến đáp, chỉ mong ông trời cho bà nhiều sức khỏe, cho đôi tai thật thính để cảm thụ tiếng đàn và giọng hát mãi trong trẻo nhằm tiếp tục công việc trao truyền điệu Then đến thế hệ trẻ.
Tháng 9 - 2022, tỉnh Tuyên Quang vinh dự đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và những người như bà Uyến thật đáng trân trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết